Trong 4 lần thông báo tổ chức đấu thầu vàng miếng của
Ngân hàng Nhà nước thì chỉ có 1 lần duy nhất thành công.
Lý giải nguyên nhân đấu thầu vàng không thu hút được các đơn vị tham gia, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU) cho rằng, có thể là do giá khởi điểm khá sát với giá thị trường nên các doanh nghiệp cân nhắc mức biên lợi nhuận kỳ vọng với rủi ro nếu giá vàng thế giới có biến động mạnh thì sẽ ảnh hưởng trọng yếu tới hiệu quả kinh doanh.
Cùng với đó, hiện giá vàng trong nước và thế giới đều đang ở vùng đỉnh cao nhất trong 5 năm trở lại đây, nên việc mua vào khối lượng lớn giai đoạn này có thể sẽ gặp rủi ro nếu thị trường có sự điều chỉnh giảm mạnh về giá khi gặp áp lực chốt lời ngắn hạn ở vùng đỉnh hiện nay.
Ngoài ra, tâm lý của người dân và nhà đầu tư trong thời gian này khá ổn định, không còn đổ xô đi mua vào nên các doanh nghiệp có thể cũng thận trọng quan sát tương quan cung cầu trong nước mới đưa ra quyết định mua vào phù hợp nhu cầu của thị trường và khả năng chịu đựng rủi ro của mình.
Việc Ngân hàng Nhà nước cho đấu thầu vàng miếng cũng là một trong những giải pháp tăng cung cho thị trường nhằm hạ nhiệt kịp thời, tuy nhiên đây cũng chỉ là biện pháp ngắn hạn chứ chưa phải là giải pháp căn cơ.
Theo ông Huy, giải pháp dài hạn là cần phải sửa đổi Nghị định 24, trong đó có việc Nhà nước xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC; cần có những giải pháp đồng bộ để giá vàng trong nước nước liên thông với thế giới, giúp giá vàng vận hành theo nguyên tắc thị trường.
Ngoài ra, cần có chính sách nhập khẩu vàng phù hợp với khả năng dữ trự ngoại hối và mục tiêu điều hành tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô ở mỗi thời kỳ; truyền thông thường xuyên để người dân, doanh nghiệp xóa bỏ dần tâm lý tích trữ vàng, đưa dòng tiền vào sản xuất kinh doanh.
https://phapluat.tuoitrethudo.vn/4-lan-dau-thau-vang-thi-3-lan-that-bai-vi-dau-nen-noi-91103.html