Tư duy lãnh đạo từ giảng đường tới thương trường cùng doanh nhân trẻ tài năng.

Buổi học đào tạo tư duy quản trị tài chính doanh nghiệp thực chiến của khoa Tài chính – Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi.

Tư duy lãnh đạo từ giảng đường tới thương trường cùng doanh nhân trẻ tài năng.

“Muốn làm chủ doanh nghiệp, trước tiên phải biết quản trị chính mình.”

Đó là thông điệp cốt lõi được truyền tải đầy sâu sắc trong buổi giảng Quản trị doanh nghiệp thực chiến của Thầy Đinh Trọng Việt Bách – CEO KS Group SJC, thành viên Tập đoàn Shunshie – Giảng viên doanh nhân có hành trình sự nghiệp ấn tượng từ ngân hàng MB, chứng khoán Techcombank đến lãnh đạo tập đoàn tài chính – đầu tư.

Thầy Bách đã dẫn dắt sinh viên Khoa Tài chính – Ngân hàng Trường Đại học Nguyễn Trãi bằng một hành trình logic và thực tiễn: Bắt đầu từ quản lý tài chính cá nhân: Gửi tiết kiệm, đầu tư vàng, đất, cổ phiếu, trái phiếu. Đến quản lý tài chính doanh nghiệp: cơ cấu vốn (vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng, tín dụng từ nhà cung cấp, khách hàng…), lập kế hoạch tài chính ngắn hạn, và ra quyết định đầu tư.

Với cách minh họa sinh động, thầy cùng bạn Thành – SV năm 2 – xây dựng quản trị nguồn vốn kinh doanh với ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh kính mắt thời trang. Qua từng giai đoạn mở rộng, bạn Thành đã sử dụng đa dạng nguồn vốn: Từ vốn cá nhân, gia đình hỗ trợ, tín dụng thương mại (mua hàng trả chậm từ nhà cung cấp), đến khách hàng nợ – rồi vay vốn ngân hàng, thậm chí gọi vốn từ bạn bè, đối tác.

Thầy Bách còn đào tạo tư duy xử lý tình huống và kỹ năng báo cáo chuyên nghiệp cho sinh viên chuẩn bị bước vào ngân hàng, doanh nghiệp: “No data – no talk. Vào phòng sếp, luôn phải có ít nhất 3 phương án.” Chỉ có giải pháp, số liệu và thái độ trách nhiệm.

Buổi học trở thành một sân khấu thực chiến, nơi sinh viên nhập vai, trình bày, phản biện và được thầy phỏng vấn trực tiếp – từng cử chỉ, từng lời nói đều được rèn giũa, nâng cấp để tiến gần hơn với môi trường chuyên nghiệp thực thụ.

Hai nguyên tắc mà thầy Bách nhấn mạnh như kim chỉ nam cho mọi sinh viên:
1. Đừng đi làm chỉ để kiếm tiền – hãy làm sao để mình đáng tiền.
2. Không chỉ trích, không giải thích – hãy đưa ra giải pháp.

Với mục tiêu rõ ràng và nỗ lực bền bỉ, mỗi bạn sinh viên hoàn toàn có thể trở thành CFO (Giám đốc Tài chính) hoặc thậm chí CEO (Giám đốc điều hành) trong vòng 10 năm tới. Đó không phải là mơ mộng, mà là kết quả của một nền tảng tư duy đúng đắn, rèn luyện đủ sâu và hành động nhất quán.

Một buổi học – nhiều năm khắc ghi. Một người thầy – cả sự nghiệp được khai mở.
Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi tiếp tục khẳng định con đường học gắn liền với thực tiễn – nơi sinh viên không chỉ học để biết, mà học để làm, để trưởng thành và để dẫn dắt.

Screenshot